1.Ý nghĩa của việc cúng ông Công ông Táo
Người Việt quan niệm ba vị Thần Táo (hay vua Bếp) định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình, phước đức này do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Với mong muốn Thần Bếp sẽ “phù hộ” cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hàng năm Tết đến. Vào ngày 23 tháng Chạp, người ta thường làm lễ tiễn đưa Táo Quân chầu trời một cách long trọng.
Ngoài ra người Việt Nam còn quan niệm Táo Quân sẽ lên trời và thưa với Ngọc Hoàng Thượng đế những sự kiện xảy ra trong năm vừa qua ở dưới trần gian. Vì thế người Việt Nam làm lễ tiễn ông Công ông Táo rất thịnh soạn với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ được thưa với Ngọc Hoàng, và những điều không may mắn hoặc không tốt sẽ được báo cáo nhẹ đi, việc làm này có thể là do Văn hóa và thói quen từ xa xưa truyền lại.
2.Lễ vật cúng ông Công ông Táo
Lễ vật cúng Táo công gồm có: Mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc (hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà). Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ dành cho Táo bà không có cánh chuồn.
Những mũ này được trang sức với các gương nhỏ hình tròn lóng lánh và những dây kim tuyến màu sắc sặc sỡ. Để giản tiện, cũng có khi người ta chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) lại kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy.
Màu sắc của mũ, áo hay hia ông Công thay đổi hàng năm theo ngũ hành. (Ví dụ: Năm hành kim thì dùng màu vàng. Năm hành mộc thì dùng màu trắng. Năm hành thủy thì dùng màu xanh. Năm hành hỏa thì dùng màu đỏ. Năm hành thổ thì dùng màu đen).
Mâm cơm cúng ông Công ông Táo là các món ăn truyền thống của người Việt như: Xôi, gà, chân giò luộc, các món nấu hoặc canh măng, bánh kẹo, trầu cau, rượu, hương, đèn nến, lọ hoa tươi, đĩa ngũ quả tươi, tiền vàng.
Trong ngày cúng ông Táo, người dân còn chuẩn bị một đôi hoặc 3 con cá chép sống, thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác. Sau khi cúng xong sẽ đem thả ở sông, ao, hồ, nghĩa là “phóng sinh” để đưa ông Táo về trời. Tục cúng cá chép chỉ người miền Bắc hay làm.
Ngày nay, nhiều gia đình lựa chọn dùng cá chép giấy để cúng Táo quân. Sau khi thực hiện xong lễ cúng, thay vì đi thả cá thì có thể mang cá chép giấy đi hóa cùng với đồ vàng mã, mũ áo Táo quân.
3.Cúng ông Công ông Táo ở đâu cho đúng
Có người quan niệm Táo Quân là thần Bếp núc nên tiến hành cúng dưới bếp. Tuy nhiên, đây là cách hiểu sai. Mặc dù gọi là cúng Táo Quân nhưng đây là cách nói tắt, chứ thực ra lễ cúng Táo Quân ngày 23 tháng chạp là cúng chung ba vị Thần Đất, Thần Nhà và Thần Bếp, dân gian thường gọi chung là Thần linh, Thổ địa, được thờ trên ban thờ. Vì vậy, việc hành lễ phải được tiến hành tại ban thờ chính, là nơi trang trọng nhất trong nhà chứ không thể thực hiện ở bếp. Hơn nữa, bếp là nơi nấu nướng, chế biến thực phẩm nên thường bị coi là nhếch nhác, nếu hành lễ ở đây sẽ thiếu trang trọng. Đó là chưa kể không gian bếp thường chật chội, ở thành phố càng chật chội hơn nên làm lễ sẽ rất khó khăn
4.Nên cúng ông Công ông Táo vào lúc nào
Có người cho rằng, nên cúng Táo Quân vào ngày 22 tháng Chạp, trước khi Ông Công, Ông Táo về Thiên đình bẩm báo, với hàm ý để các vị Táo Quân có thời gian chuẩn bị chu đáo. Lại có người chọn ngày tốt trước ngày 23 tháng chạp để cúng. Tuy nhiên, theo phong tục truyền thống và theo các nhà nghiên cứu, lễ cúng Táo Quân nên tiến hành vào đúng ngày 23 tháng Chạp. Thông thường giờ cúng tốt nhất là vào trưa ngày 23, giờ Ngọ (từ 11 – 13h), vì đây là thời điểm các thần tập trung để chuẩn bị về Trời.
Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh – Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam – cho rằng, hiện nay tùy vào điều kiện từng gia đình, mà có thể làm lễ tiến ông Công ông Táo vào thời điểm khác nhau. Có người cúng buổi sáng, có người cúng buổi chiều ngày 23 tháng Chạp, có người cúng hôm trước. Tuy nhiên, nếu cúng vào đúng ngày 23 tháng chạp thì vẫn hay hơn.
Dù vậy, bắt đầu từ ngày 21 tháng Chạp đến ngày 23 tháng Chạp, các gia đình có thể lựa chọn thời gian phù hợp để cúng ông Công ông Táo về chầu trời.
Năm nay, ngày 23 tháng chạp là ngày thứ Sáu ngày 17/1/2020, là ngày thường nhiều người vẫn phải đi làm, vì vậy không nhất thiết cứ phải cúng vào trưa 23 mà có thể cúng vào các giờ khác từ đêm 22 đến trước 13h ngày 23 đều được.
Reviews
There are no reviews yet.