Túi cói chinh là tên gọi chung của những sản phẩm túi được làm ra từ những nguyên liệu tự nhiên như: cói, lục bình, mây, tre, lát, vỏ bắp, cọ… Tùy vào hình dáng của từng thiết kế mà chiếc túi cói sẽ được làm thủ công tỉ mỉ, nhờ vào bàn tay điêu luyện của những người thợ có thâm niên lâu năm đến từ các làng nghề truyền thống tại Việt Nam.
Với sự khéo léo của những nghệ nhân lành nghề, sợi cói được đan thắt công phu để tạo nên những sản phẩm chất lượng trước khi đến với người sử dụng.
Tính đến thời điểm này thì cói Việt Nam được đánh giá là một trong những sản phẩm đạt chất lượng tốt trên thế giới. Và để có được những chiếc túi cói cũng không hề đơn giản, đó là một quá trình được tạo ra với rất nhiều thời gian và công sức của người nông dân.
Để có một gốc cói lấy giống, người trồng sẽ phải lựa chọn rất kỹ lưỡng vì nó đòi hỏi phải có tuổi đời từ 3 đến 5 năm, và còn phải đạt chuẩn về chiều cao cũng như đường kính. Cứ sau từ 20 đến 30 ngày, người trồng sẽ phải nhổ cỏ mọc trên ruộng cói để cói không bị còi cọc do bị tranh chất dinh dưỡng.
Công đoạn phân loại cói sau khi thu hoạch sẽ quyết định đến chất lượng của túi cói. Sợi cói đạt chất lượng phải thật láng, đẹp và không bị sâu mọt; còn sợi cói có màu đen hay bị gẫy sẽ lập tức được loại ra. Tiếp theo cói sẽ được phân loại theo độ dài, và cuối cùng là khâu chọn lựa sợi cói to hay nhỏ.
Sau đó, cói sẽ được chẻ rất công phu từ gốc đến ngọn. Đặc biệt, thời gian thực hiện việc này cần phải làm thật nhanh chóng, vì gốc cói để lâu sẽ bị khô gây khó khăn trong việc chẻ, nên người thực hiện thường phân loại đến đâu sẽ chẻ ngay đến đó.
Công đoạn phơi cói sẽ được thực hiện ngay sau đó. Các mưởng cói lúc này đã sẵn sàng để cói được rải đều và thật mỏng lên trên. Cói cần được phơi thật khô và đều đến khi kiệt nước nên nếu trong mùa nắng to, thì thời gian phơi sẽ là 3-4 ngày; còn nếu gặp phải những cơn mưa, thì quá trình này sẽ ngốn thêm rất nhiều thời gian của người nông dân.
Túi cói đặc biệt ở chỗ chúng được làm theo phương pháp hoàn toàn thủ công truyền thống. Ở công đoạn đan cói, phải có người đứng luồn cói và người dập go (dụng cụ dệt cói làm bằng gỗ, tre). Đầu tiên, những sợi cói được luồn qua go và được mắc lên từng hàng dọc cách nhau 1-1,5cm. Người luồn cói sẽ ngồi bên cạnh khung dệt, dùng một chiếc que làm bằng tre, nứa (gọi là chiếc “văng”) mắc sợi cói vào rồi luồn vào khe giữa của làn cói đã mắc từ trước, người dập go sẽ dập go sau mỗi lần văng cói. Cứ thế, những sợi cói riêng rẽ được đan xen kẽ vào nhau, để cho ra đời những tấm cói mịn màng và có kết cấu độc đáo.
Những hình dạng túi như vuông, chữ nhật, bầu, tròn, bán nguyệt mà bạn đang sở hữu sẽ tiếp tục được cắt ra từ những tấm cói bởi những người thợ tài hoa. Để may những hình dạng túi ấy sao cho hoàn chỉnh, người thợ sẽ phải mất ít nhất 4 tiếng để cẩn thận chăm chút nên những đường nét hài hòa và cân đối.
Reviews
There are no reviews yet.